Sau 2 kỳ tái cơ cấu doanh nghiệp vào các năm 2010 và 2014, Công ty Cổ phần Nhà và Thương mại Nhà Dầu khí (PV Building) đã có bước phát triển vượt bậc, vốn chủ sở hữu và lợi nhuận đã tăng hơn gấp 3 lần. Với mục tiêu xây dựng PV Building thành doanh nghiệp mạnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chuyển PV Building thành Công ty đại chúng lưu ký và niêm yết cổ phiếu trong năm 2016. Ông Trần Đoàn Thịnh- Giám đốc công ty đã có cuộc trao đổi về mục tiêu của đợt tái cấu trúc lần 3 này.

 

Hoạt động sản xuất bao bì của PV Building

Sau 2 kỳ tái cơ cấu doanh nghiệp, đâu là thành công lớn nhất mà PV Building đạt được, thưa ông?

PV Building được thành lập vào tháng 3/2009 với 3 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty TNHH MTV Lọc- Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí. Hiện tại, PV Building có 3 cổ đông gồm: BSR là cổ đông chi phối chiếm 96,53% vốn điều lệ, Nhà khách Cẩm Thành thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi chiếm 3,14% vốn điều lệ và nhóm cổ đông cá nhân chiếm 0,33% vốn điều lệ.

Năm 2010 đã đánh dấu bước phát triển của công ty với doanh thu tăng 454,9% so với năm 2009, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi lớn khi toàn bộ phần vốn góp của PVC chuyển sang BSR. Các năm sau, tổng doanh thu của công ty đều tăng cao và lần lượt là 400,922 tỷ đồng năm 2011 (tăng 945,6% so với năm 2010); năm 2012 đạt 698,25 tỷ đồng (tăng 174% so với năm 2011); năm 2013 đạt 1.448,51 tỷ đồng (tăng 207% so với năm 2012). Lần tái cấu trúc này, hoạt động kinh doanh của công ty tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Dịch vụ, thương mại và đầu tư.

 

 


Vậy mục tiêu của lần tái cơ cấu này là gì, thưa ông?
Giai đoạn tái cấu trúc lần 2 của PV Building bắt đầu từ năm 2014 với chủ trương của PVN chấp thuận việc cổ đông chi phối BSR tăng vốn góp tại PV Building thông qua việc góp vốn bằng tài sản Nhà máy sản xuất Bao bì Dung Quất. Với chủ trương này, PV Building đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với vốn điều lệ tăng từ 55 tỷ đồng lên trên 175 tỷ đồng. Những khó khăn trong giai đoạn đầu sau chuyển nhượng Nhà máy sản xuất bao bì đã được giải quyết nhanh chóng, đến nay, sản xuất - kinh doanh bao bì đã trở thành một trong 3 lĩnh vực sản xuất chính của công ty. Đặc biệt, dòng bao PE 3 lớp chứa hạt nhựa cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn bảo đảm tiến độ, chất lượng ngày càng cao. Riêng doanh thu từ bao bì năm 2015 đạt 159,5 tỷ đồng/tổng doanh thu năm 2015 là 601,49 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại và dịch vụ hậu cần vẫn tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.

Có thể nói, công ty đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với quy mô vốn lớn gấp hơn 3 lần so với trước, điều đó đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với doanh nghiệp từ nhân sự, hệ thống quản trị cho đến định hướng, lựa chọn ngành nghề hoạt động chính. Mặc dù sản xuất là lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng lại là thế mạnh tuyệt đối của Công ty mẹ BSR. Do vậy, hoàn thiện công tác tái cấu trúc cho phép công ty tiếp cận được mọi sự hỗ trợ của BSR một cách hiệu quả nhất cũng như huy động nguồn lực từ xã hội, chuyển đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy minh bạch thông tin.

Sau khi IPO thì trọng tâm sản xuất - kinh doanh của công ty sẽ hướng vào những lĩnh vực nào?

Theo kế hoạch, năm 2016, PV Building sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong lộ trình phát triển thì đến năm 2020, PV Building phấn đấu trở thành doanh nghiệp hậu cần hàng đầu phục vụ cho ngành Dầu khí tại khu vực miền trung. Theo đó, công ty sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, dịch vụ hậu cần gồm: Dịch vụ quản lý nhà, dịch vụ lưu trú, các dịch vụ hậu cần khác; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bao bì. Thương mại gồm: Kinh doanh hạt nhựa PP và các loại hạt nhựa khác, cung cấp vật tư cho BSR và BSR-BF, tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu (xăng, dầu các loại, LPG,..).

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baocongthuong.com.vn